Sáng ngày 28/11/2020, bà Đặng Thị Minh Hiếu – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm hỏi và trao tặng 100 phần quà, mỗi phần trị giá 750.000 đồng, trong đó có 500.000 đồng tiền mặt cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng do mưa lũ tại xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Ngày 29/11/2020, đoàn đã phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình tặng cây giống Mắc Ca cho 100 hộ gia đình bị thiệt hại tại xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, với mỗi suất hỗ trợ là 5 triệu đồng. Đây là những hộ đồng bào dân tộc nghèo, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt. Đợt mưa lũ vừa qua đã cuốn trôi cây giống, khiến cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Chia sẻ với những vất vả ấy, bà Đặng Thị Minh Hiếu – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu “Với tất cả sự yêu thương của người dân Thành phố, hy vọng với nguồn tài trợ này, đồng bào xã Krong sẽ sử dụng đúng mục đích, chăm sóc thật tốt cây trồng cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn của các cán bộ kỹ thuật, đồng bào sẽ vượt qua khó khăn trước mắt, dần phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống”. Tổng giá trị thực hiện trong chuyến công tác là 750 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai – ông Dương Đình Diện cho biết “Với nguồn hỗ trợ thiết thực của Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh, trước mắt là tặng quà và hỗ trợ cây trồng, cùng với những dự án xây trường, xây nhà trong thời gian sắp tới dành cho xã cách mạng Krong. Đây là sự quan tâm của chính quyền địa phương và người dân Thành phố với mong muốn bà con phát triển sinh kế, vượt qua khó khăn, góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Hoạt động sản xuất đặc trưng xã Krong là canh tác và thu hoạch từ cây Mắc Ca với hơn 5 hecta cây trồng đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai. Nay được hỗ trợ cây giống, đại diện chính quyền địa phương – ông Đinh Văn Ble – Phó Chủ tịch UBND xã cam kết sẽ giám sát, chỉ đạo trực tiếp cán bộ chuyên môn hướng dẫn về mặt kỹ thuật cho bà con để cây trồng phát triển và đạt kết quả tốt nhất.
Ngày 29/11, tại Hội Chữ thập đỏ Quận 5, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức trao tặng 1.600 phần quà hỗ trợ người dân hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Ứng phó với dịch bệnh Covid-19”, do Tổ chức Habitat For Humanity International Vietnam tài trợ.
Mục tiêu của Dự án nhằm cung cấp các hỗ trợ về gói thực phẩm - vệ sinh, kinh phí thuê nhà và tập huấn các kỹ năng mềm hướng nghiệp cho người dân hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tại một số địa bàn của TPHCM. Dự án diễn ra từ tháng 10/2020 đến tháng 1/2021 với tổng kinh phí triển khai trên 1 tỉ đồng, trong đó kinh phí tài trợ trực tiếp cho người dân thông qua tài khoản của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là 255 triệu đồng và kinh phí tài trợ bằng hàng hóa, do Tổ chức Habitat For Humanity International Vietnam cung cấp thông qua nhà cung cấp là 700 triệu đồng.
Bà Phạm Mỹ Trang, Giám đốc Dự án cho biết, tiêu chí bắt buộc đối với “nhóm đối tượng nhận hỗ trợ gói thực phẩm - vệ sinh” là hộ gia đình nghèo và cận nghèo (theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn không có việc làm ổn định và (hoặc) bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có 1.600 hộ gia đình được hỗ trợ theo nhóm này. Đối với “nhóm đối tượng nhận hỗ trợ tiền thuê nhà”, là hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19; có việc làm ổn định hoặc bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19; có từ 2 nhân khẩu trở lên; không có nhà ở, đang phải thuê nhà tại TPHCM (không được nhận gói hỗ trợ thuê nhà nào khác hoặc gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP), gói hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/tháng.
Đối với “nhóm đối tượng nhận hỗ trợ tập huấn các kỹ năng mềm hướng nghiệp”, là hộ gia đình có người đang trong độ tuổi lao động, có khả năng tiếp thu kiến thức và có khả năng làm việc; có nguyện vọng tham gia tập huấn để tìm kiếm cơ hội việc làm; thành viên hộ gia đình hiện không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, hoặc bị giảm thu nhập do tác động của dịch bệnh Covid-19. “Đối với cả ba nhóm đối tượng nói trên, Dự án ưu tiên hộ gia đình có người khuyết tật, có người cao tuổi hoặc trẻ em, có phụ nữ là lao động chính, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, có thành viên mắc bệnh hiểm nghèo”, bà Phạm Mỹ Trang cho biết.
Sau quá trình khảo sát hoàn cảnh từng hộ gia đình theo tiêu chí, ngày 29/11, Dự án đã trao tặng 1.600 suất quà đầu tiên đến người dân địa bàn Quận 5, mỗi suất trị giá hơn 550.000 đồng.
Anh Huy
Sáng 24/11, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký ban hành Chỉ thị số 24 về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dịch bệnh đã bùng phát trở lại trong mùa đông xuân tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia đặc biệt tại khu vực Châu Âu đã phải tái thiết lập việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội. Trong nước, tình dịch bệnh vẫn đang tiếp tục được kiểm soát.
Cả nước đã trải qua hơn 80 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Mặc dù vậy, các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài dương tính với SARS-CoV-2 vẫn liên tục được ghi nhận trong thời gian vừa qua do đó nguy cơ dịch bệnh xuất hiện vẫn luôn thường trực đặc biệt nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong thời gian tới, trong nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện chính trị quan trọng, công tác phòng chống dịch được yêu cầu đặt trong tình trạng nghiêm ngặt với mức độ an toàn cao nhất. Để tăng cường việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch không để ảnh hưởng sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:
Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và trực tiếp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị y tế chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị và phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần gương mẫu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng dịch nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người, các hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tiếp tục thực hiện đánh giá theo Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 của Bộ Y tế; trên cơ sở đó rà soát các vấn đề không an toàn và các nguy cơ tiềm ẩn được phát hiện, xây dựng kế hoạch khắc phục, giải pháp can thiệp nhằm tăng cường năng lực phòng, chống dịch của bệnh viện và cập nhật các tiêu chí an toàn COVID-19 đối với các cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế lên bản đồ chung sống an toàn COVID-19.
- Duy trì tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; tiếp tục đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường…
- Tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân nằm điều trị tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng và nhân viên y tế; tăng cường tập huấn về công tác xét nghiệm, điều trị, sử dụng trang thiết bị máy thở, máy lọc máu và các thiết bị khác phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư vấn, khám, chữa bệnh; tiếp tục yêu cầu tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh; có hình thức phân luồng ưu tiên đối người đến khám, điều trị thực hiện việc cài đặt và bật ứng dụng truy vết. Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký lịch khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống COVID-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện.
- Cập nhật phác đồ điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19; chuẩn bị cơ sở điều trị dự phòng khi dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn, khi phong tỏa bệnh viện.
Đối với các đơn vị y tế dự phòng:
- Thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu; Yêu cầu tất cả người nhập cảnh bắt buộc phải khai báo y tế; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại các trường hợp phải cách ly phù hợp theo quy định ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế. Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất các các trường hợp là chuyên gia nhập cảnh từ nước ngoài.
- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế trong khu vực cách ly.
- Chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng khi có yêu cầu về phòng chống dịch; tổ chức tập huấn, tăng cường đội ngũ lẫy mẫu xét nghiệm, nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, đáp ứng nhanh khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.
Đối với các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc cơ quan, đơn vị được UBND tỉnh, thành phố phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế:
- Xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu.
- Phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm các thực phẩm từ nguồn nhập khẩu trên địa bàn để xác định, đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Đối với Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tiếp tục tham mưu để huy động việc đầu tư nguồn lực, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch xảy ra trên địa bàn.
- Tiếp tục chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh; xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định.
- Chủ động xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản, diễn tập phòng chống dịch theo các tình huống cụ thể khi tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch đối với các địa điểm có nguy cơ cao; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp không thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện, phòng khám tư nhân tuyến huyện, tuyến xã thực hiện ngay việc cung cấp thông tin, cập nhật dữ liệu, khai báo, chấm điểm định kỳ dành cho bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có hình thức xử lý đối với các cơ sở không thực hiện, không đảm bảo an toàn.
- Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện các biện pháp nhằm phòng chống lây nhiễm COVID-19 từ nguồn thực phẩm nhập khẩu.
- Tiếp tục thực hiện công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tránh tâm lý lơ là, chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tham mưu cho chính quyền địa phương việc thực hiện các chế tài xử phạt hành chính với các trường hợp cố tình vi phạm việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
- Xây dựng, chuẩn bị và triển khai phương án đảm bảo dự trữ đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống COVID-19.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII theo đúng kế hoạch của Bộ Y tế.
Đối với các Viện nghiên cứu:
- Tiếp tục rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu các biện pháp chuyên môn kỹ thuật về giám sát, đáp ứng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình dịch và tiến bộ kỹ thuật của các nước trên thế giới; tiếp tục hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ các địa phương thực hiện các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về giám sát phát hiện, khoanh vùng dập dịch, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng bệnh COVID-19, các phương pháp xét nghiệm mới để sàng lọc, xác định SARS-CoV-2; tập trung hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng bệnh COVID-19.
Nguồn: Bộ Y tế
Sáng ngày 21/11/2020, Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 – 23/11/2020) và tuyên dương 74 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Hoa việc thiện” năm 2020.
Dự hội nghị có đồng chí Phạm Văn Trọng – Anh hùng lực lượng vũ trang – Thầy thuốc nhân dân – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam – Nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM; đồng chí Võ Thị Dung – Nguyên Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch Danh dự Hội Chữ thập đỏ TPHCM; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó trưởng cơ quan đại diện phía Nam Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; đồng chí Lê Văn Tân – Phó Trưởng ban Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; đồng chí Trần Hữu Phước – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TPHCM; Thượng tọa Thích Thiện Quý – Phó ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo TPHCM; đồng chí Trần Trường Sơn - Ủy viên Thường vụ TW Hội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố; lãnh đạo các Sở, ban ngành Thành phố; các đồng chí Thường trực Hội Chữ thập đỏ Thành phố, Thường trực Hội Chữ thập đỏ quận, huyện và các cơ sở. Đặc biệt có sự tham dự của 74 tập thể, cá nhân “Hoa việc thiện” tiêu biểu năm 2020.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Ân – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM đã ôn lại truyền thống Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với chặng đường 74 năm hình thành và phát triển cùng những bước tiến vượt bậc trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong khu vực và quốc tế, thông qua sự lan tỏa của các phong trào, các cuộc vận động được Hội triển khai đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng.
Hội nghị cũng đã thông qua báo cáo tóm tắt phong trào thi đua “Hoa việc thiện” năm 2020 với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trên cơ sở tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã phối hợp trao tặng hơn 52.000 suất quà Tết, với tổng trị giá 46,3 tỷ đồng; trợ giúp nhân đạo hỗ trợ 66.684 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng trị giá gần 30 tỷ đồng; vận động ủng hộ người dân miền Trung khắc phục hậu quả do mưa lũ trên 16 tỷ đồng; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, đã tiếp nhận 178.856 túi máu… Tổng trị giá hoạt động nhân đạo của các cấp Hội trong năm 2020 đạt trên 175 tỷ đồng, đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước trên địa bàn thành phố và chăm lo nghĩa tình đến nhân dân các tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Văn Tân – Phó Trưởng ban Ban Dân vận Thành ủy TPHCM đã chúc mừng nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đồng thời ghi nhận, đánh giá cao các hoạt động xã hội nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Thành phố trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh: “Thành phố Hồ Chí Minh tự hào là nơi khởi xướng và thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong đó có phong trào thi đua “Hoa việc thiện”. Chính nhờ sự nỗ lực của các tập thể, cá nhân giàu lòng nhân ái, đầy tính nhân văn mà công tác Hội Chữ thập đỏ ngày càng khẳng định là bộ phận nòng cốt có hiệu quả trong hoạt động xã hội nhân đạo. Riêng phong trào “Hoa việc thiện” đã thực sự lan tỏa, mang một ý nghĩa nhất định đối với chính sách an sinh xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
Theo đồng chí Trần Trường Sơn – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM cho biết hoạt động nhân đạo xã hội của Hội chữ thập đỏ Thành phố đã có nhiều đổi mới, linh hoạt, sáng tạo theo tinh thần hướng về cơ sở, bám sát nhu cầu thực tiễn của nhân dân, đã huy động được sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự tham gia của đông đảo cán bộ hội viên, thanh thiếu niên, các tầng lớp nhân dân tham gia làm công tác nhân đạo. Đồng chí cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy những phong trào, chương trình có ý nghĩa nhằm chào mừng Đại hội Hội Chữ thập đỏ các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 cũng như góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị xã hội đã đề ra.
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ TPHCM đã quyết định tuyên dương, trao tặng giấy khen và biểu trưng cho 14 tập thể và 60 cá nhân “Hoa việc thiện” tiêu biểu năm 2020 đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trên địa bàn Thành phố.
Trần Thị Ngọc Hoa