(TTXVN) Đến nay, nước ta đã đạt 99% nguồn máu từ người hiến máu tình nguyện (hiến máu không nhận tiền) điều đó rất đáng tự hào.
TTƯT. Nguyễn Chí Tuyển, nguyên Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nguyên Phó Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Trải qua các thời kỳ, đến nay, ngành Truyền máu nước ta đã có nhiều tiến bộ, thay đổi rất lớn góp vào sự tiến bộ chung của ngành y tế Việt Nam.
Trước kia, ngành truyền máu (khoa Huyết học) ở các bệnh viện dân - quân y phải đảm bảo máu cho các bệnh viện. Khi đó, nguồn máu để truyền chủ yếu là từ những người cho máu chuyên nghiệp. Nhược điểm của nguồn máu này là chất lượng máu không đảm bảo, thậm chí có cả vụ việc tiêu cực. Chế độ mua - bán máu cũng có lúc khiến người có tiền "quên" mất nhiệm vụ thiêng liêng cao quý hiến máu cứu người của bản thân.
Nhiệm vụ của chúng ta là càng sớm càng tốt xóa bỏ việc trả tiền mặt cho người hiến máu tình nguyện.
Các tổ chức quốc tế như: Tổ chức y tế thế giới (WHO), tổ chức hội truyền máu quốc tế(ISBT), Hội Chữ thập đỏ quốc tế(ÌFRC), Hiệp hội quốc tế người hiến máu tình nguyện (IFBDO) thống nhất lấy ngày 14/6 hàng năm là ngày Thế giới Tôn vinh người hiến máu tình nguyện. Và chậm nhất năm 2015 phải đạt 100% nguồn máu từ người hiến máu tình nguyện. |
Từ năm 1989, GS. Bạch Quốc Tuyên, nguyên Chủ tịch Hội huyết học truyền máu Việt Nam, Chủ nhiệm khoa Huyết học - Truyền máu (Bệnh viện Bạch Mai), cùng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, GS. Phạm Song, Bộ trưởng Bộ Y tế, phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và các giáo sư đầu ngành truyền máu của Pháp đã tổ chức hội thảo đầu tiên tại bệnh viện Bạch Mai về Hiến máu nhân đạo ngày 20/5/1989.
Thắng lợi và có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển ngành y tế nước nhà là sự ra đời và phát triển hoàn thiện của Ban Chỉ đạo quốc gia Hiến máu tình nguyện với Quyết định 235/2008 ngày 26/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 235-TTg). Đây là sự quyết tâm, cố gắng của bao thế hệ Lãnh đạo Bộ Y tế cũng như Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ban Chỉ đạo quốc gia về Hiến máu tình nguyện ngày càng hoàn thiện, củng cố từ Trung ương đến các tỉnh thành phố, quận, huyện, phường, xã. Nòng cốt là sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế - Ngành truyền máu, Bộ Tài chính, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương …, các phóng viên báo chí.
Nhờ có sự phối hợp này, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã phân bổ nguồn tài chính cho Ban Chỉ đạo HMTN các cấp hoạt động rất cụ thể, chi tiết bằng các thông tư của từng bộ hoặc thông tư liên tịch giúp cho công tác hiến máu tình nguyện trong những năm qua phát triển bền vững.
Kết quả, đến nay, nước ta đã đạt 99% nguồn máu từ người hiến máu tình nguyện (hiến máu không nhận tiền). Đây là điều rất đáng tự hào.
Ngày 29/7/2023 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt 100 đại biểu là người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2023, trong buổi gặp mặt, Thủ tướng biểu dương và tôn vinh mọi người dân đã tham gia hiến máu tình nguyện và ghi nhận sự cố gắng của Ban Chỉ đạo các cấp, Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc tuyên truyền vận động đạt được 99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện, chất lượng máu ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, có một số vấn đề cần bổ sung để ngành y tế nói chung hòa nhịp và hội nhập với sự phát triển của đất nước và quốc tế. Với trách nhiệm của công dân đã từng hoạt động trong lĩnh vực Truyền máu và hiến máu tình nguyện, tôi đã có một số đề xuất, đề nghị sau:
Thứ nhất, ngành truyền máu và Bộ Y tế cần xây dựng Chương trình máu Quốc gia, không nên sử dụng tỷ lệ nhu cầu máu 2% dân số như hiện nay.
Thứ hai, Chính phủ và ngành truyền máu cần xây dựng Luật Hiến máu. Hầu hết các nước đã có Luật này.
Thứ ba, ngành truyền máu và Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Chính phủ xây dựng Trung tâm máu quốc gia và các trung tâm máu khác phải đạt tiêu chuẩn WHO–GMP. Nếu không có chuẩn WHO–GMP thì quản lý chất lượng máu, quản lý người hiến máu không chính xác như các chuyên gia đã đánh giá, và hầu như số liệu tổng kết máu tại Việt Nam hàng năm các tổ chức quốc tế không sử dụng được vi chỉ có tổng số đơn vị máu. Cũng không có phần mềm cho Ban Chỉ đạo quốc gia và trung tâm máu trong toàn quốc cùng sử dụng.
Thứ tư, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động Hiến máu tình nguyện, Bộ Y tế cần chỉ đạo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh/thành phố bổ sung nhiệm vụ cho Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh/thành phố nhiệm vụ hỗ trợ cho các trung tâm truyền máu, bệnh viện tiếp nhận máu về việc mua và cấp phát quà tặng, suất ăn nhẹ cho người hiến máu tình nguyện, thống nhất trong toàn quốc về việc tặng quà đa dạng bằng hiện vật cho người hiến máu tình nguyện lựa chọn theo thị hiếu và sở thích, trên các sản phẩm quà tặng đều in các nội dung tuyên truyền về hiến máu tình nguyện “Mỗi giọt máu - một tấm lòng; Hiến máu cứu người - Một nghĩa cử cao đẹp”. Từ đó tuyên truyền ý nghĩa nhân văn của hành động hiến máu tình nguyện và Tôn vinh người hiến máu. Các bệnh viện đều chuyển kinh phí mua quà tặng, ăn nhẹ về Hội Chữ thập đỏ các tỉnh/thành phố để Hội Chữ thập đỏ tổ chức mua quà tặng, ăn nhẹ và cấp phát cho tình nguyện viên tham gia hiến máu tình nguyện theo quy định. Bởi Hội Chữ thập đỏ là đơn vị vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện nên sẽ nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân muốn nhận quà gì theo nhu cầu của từng cơ quan, đơn vị và đặc thù của từng địa phương. Ngoài ra giảm được các chi phí phát sinh về phương tiện vận chuyển quà tặng từ các trung tâm truyền máu, bệnh viện đến các nơi tiếp nhận máu và đưa về nếu người hiến máu đến không đúng theo kế hoạch, nhân sự khuân vác quà tặng từ bệnh viện lên xe đến nơi tiếp nhận máu và mang về, nhân sự chuẩn bị và cấp phát quà tặng tại mỗi điểm hiến máu, từ đó tiết kiệm tiền ngân sách cho Nhà nước và nâng cao giá trị, chất lượng quà tặng.
Thứ năm, các trung tâm truyền máu, bệnh viện nên tập trung vào công tác chuyên môn là tiếp nhận, sàng lọc, bảo quản và phân phối máu, sao cho đảm bảo chất lượng máu tốt nhất để truyền cho người bệnh, không để xảy ra tình trạng khan hiến máu cục bộ ở từng địa phương, từng thời điểm như việc nhiều bệnh viện ở miền Tây thiếu máu điều trị như một số thời điểm vừa qua.
Thứ sáu, bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, các trường cần xây dựng tài liệu quốc gia về máu, chứ không chỉ có Thông tư, Pháp lệnh về truyền máu.
TTƯT. NGUYỄN CHÍ TUYỂN
(Nguyên Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nguyên Phó Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam)
(Theo TTXVN)