Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM:
Sẽ xử lý nếu có “trục lợi”
Sau khi đăng tải loạt bài Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo, ngày 9-11, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TPHCM, xung quanh loạt bài này, ông Trần Trường Sơn cho biết:
Trước hết, cảm ơn báo chí đã đưa một số thông tin nhiều chiều đến bạn đọc. Với vai trò là cơ quan chủ quản của Trung tâm hiến máu nhân đạo TPHCM, Hội Chữ thập đỏ TPHCM có cơ sở tiếp thu, xem xét, việc gì tốt sẽ tiếp tục phát huy, việc gì chưa tốt, còn hạn chế, tồn tại sẽ cố gắng khắc phục.
Với các tỉnh thành khác, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành trực tiếp làm việc, thực hiện các gói thầu, nhưng riêng tại TPHCM có Trung tâm hiến máu nhân đạo TPHCM thực hiện công việc này, Hội Chữ thập đỏ TPHCM có chủ trương trực tiếp chỉ đạo để Trung tâm hiến máu nhân đạo TPHCM chọn lựa các gói thầu đúng quy định.
Hội Chữ thập đỏ TPHCM đi sau các đơn vị khác về việc đa dạng hóa quà tặng hiến máu. Trước kia, chúng ta chủ yếu tặng quà cho người hiến là sữa. Qua nhiều năm, lực lượng người hiến máu có nhiều đối tượng như thanh niên, trung niên và bên cạnh cần sữa, người ta cũng cần những quà tặng đa dạng. Trung tâm thực hiện khảo sát, theo dõi, tìm hiểu và bắt đầu làm thí điểm từ năm 2021. Sau thời gian thí điểm, lấy ý kiến người hiến máu, trên cơ sở đó quyết định tiếp tục thực hiện. So với các tỉnh thành thực hiện hoạt động quà tặng, TPHCM vẫn giữ lại 30% quà là sữa. Hội Chữ thập đỏ luôn luôn thực hiện kiểm tra, giám sát để biết hoạt động nào tốt và chưa tốt.
Trước kia, khi chưa áp dụng gói quà tặng mà chỉ tặng sữa, các bác sĩ, tài xế phải khuân vác vất vả. Trung tâm không có nguồn và Nhà nước không chi trả cho những nội dung này. Bắt buộc, Trung tâm phải chọn đấu thầu gói dịch vụ quà tặng và dịch vụ đi kèm. Về nguồn gốc của các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, đã có tìm hiểu kỹ lưỡng.
Về cơ bản, họ mua quà đúng chứ không sai. Tuy nhiên, do mua quà giá trị lớn và qua giá sỉ thì dĩ nhiên giá buôn và giá lẻ sẽ khác nhau. Thêm nữa, khi họ mua ở tùy thời điểm có mức giá khác nhau, có thể có đợt khuyến mãi thì giá hàng hóa trên kệ rẻ hơn. Tùy thời điểm mua mà giá cao hay thấp so với hàng hóa trong gói quà tặng. Tóm lại, khi vào thực hiện, các món quà đều đưa vào đấu thầu thẩm định giá.
Là đơn vị quản lý, cái gì sai liên quan đến “trục lợi”, chúng tôi sẽ xử lý tới nơi tới chốn, bởi hiến máu nhân đạo là hoạt động nhân văn, có ý nghĩa xã hội vô cùng lớn. Người đi hiến máu đa phần rất vô tư, họ không suy nghĩ gì về quà tặng. Họ chỉ nghĩ cho đi chứ không mong nhận lại. Bộ phận trao quà không được lái theo chuyện đó mà phải rõ rang; trao đủ quà cho họ. Sắp tới đây, chúng tôi chấn chỉnh việc này.
Về chuyện đấu thầu, thực ra khi đấu thầu, các đơn vị đều được tham gia. Tuy nhiên có đơn vị đáp ứng được, đơn vị không. Trong câu chuyện này, nhìn ra được vấn đề là các Hội Chữ thập đỏ bị “dính chưởng” các doanh nghiệp, chúng tôi cũng không hiểu được. Còn tổ chức đấu thầu là có đơn vị độc lập được thuê. Công ty Cường An phải giải trình cho Trung tâm hiến máu nhân đạo TPHCM về vụ việc này. Hội Chữ thập đỏ đề nghị Trung tâm hiến máu nhân đạo TPHCM phải kiểm tra lại.
Với phong trào hiến máu tình nguyện, khi người ta cho đi, mình tặng phần quà ý nghĩa như một lời cảm ơn gửi lại. Nhiều khi đưa tiền lại như một món hàng, quan hệ mua bán, nếu không khéo trở thành nhạy cảm. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, “sửa” lại các phần quà. Cũng nên có hướng dẫn nếu cần từ Bộ Y tế, Bộ Tài chính trong việc thực hiện quà tặng như thế nào cho đúng. Quan trọng không chỉ là cho sữa hay cho quà tặng mà còn là công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên và nếu ai sai sẽ xử lý đến nơi, tùy theo mức độ.
Anh Ngô Bá Nhất, ngụ Quận 4, TPHC M, hơn 20 lần hiến máu tình nguyện:
Tôi vẫn sẽ hiến máu…
Tôi có theo dõi loạt bài Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo những ngày qua trên báo SGGP, nêu ra những khuất tất trong các phần quà dành cho người hiến máu. Phải nói rằng, không chỉ tôi mà rất nhiều người khác tham gia hiến máu nhân đạo không quan tâm đến những phần quà này. Chúng tôi nghĩ, hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp, một việc làm mà bất cứ ai có đủ điều kiện sức khỏe đều nên làm, bởi có thể phần máu mình hiến tặng giúp được một cuộc đời khác.
Tuy nhiên, theo tôi, việc xử lý những sai phạm nếu có, đối với những cá nhân, tổ chức có khuất tất trong các phần quà dành cho người hiến máu là cần thiết. Điều đó góp phần làm minh bạch các hoạt động thiện nguyện, tăng thêm sự tin tưởng cho người tham gia hiến máu. Về phần mình, tôi vẫn sẽ hiến máu. Sai phạm tới đâu thì xử tới đó, còn người hiến máu thì hãy tiếp tục hiến máu cứu người…
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng