Trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên Trung tâm Báo chí Thành phố

Ngày 12/7/2022, Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa Thành phố trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Thành phố tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức sơ cấp cứu cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên, cán bộ viên chức, người lao động nhằm trang bị kiến thức cơ bản và kỹ năng sơ cấp cứu để nâng cao khả năng xử lý các tình huống khẩn cấp trong quá trình tác nghiệp.

Tham dự buổi khai giảng có ông Trần Trường Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố; ông Trần Văn Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố, Giám đốc Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa Thành phố; bà An Thị Liên Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí Thành phố; ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí Thành phố.

Ông Trần Trường Sơn – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng túi sơ cấp cứu đến bà An Thị Liên Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí Thành phố

Phát biểu tại buổi khai giảng, ông Trần Trường Sơn cho biết hệ thống Hội luôn tuân thủ Luật hoạt động Chữ thập đỏ với 7 lĩnh vực trọng tâm, trong đó chú trọng hoạt động vận động hiến máu tình nguyện và huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu. Tuy nhiên hiện nay phần lớn các đơn vị tham gia tập huấn sơ cấp cứu tập trung vào các doanh nghiệp. Trung tâm Báo chí Thành phố là một trong những đơn vị hành chính sự nghiệp đầu tiên quan tâm đến kỹ năng xử lý các tình huống khẩn cấp cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp tại một thành phố đông dân, nhiều ngành nghề và tiềm ẩn những rủi ro về tai nạn nghề nghiệp, tai nạn giao thông…

Học viên thực hành thao tác xử lý dị vật đường thở ở trẻ nhỏ

Theo ông Nguyễn Văn Khanh, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 19 cơ quan báo chí Thành phố và rất nhiều văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí Trung ương. Thời gian qua, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã tham gia rất nhiều hoạt động truyền thông trên tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt là đợt cao điểm trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Trong quá trình tác nghiệp tại những nơi đông người thường xuyên gặp những tình huống tai nạn khẩn cấp. Chính vì vậy, việc quan tâm và trang bị kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu để tránh lúng túng khi xử lý tai nạn là vô cùng cần thiết.

Ông cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức thêm 2 lớp huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho các phóng viên, biên tập viên, viên chức và người lao động tại Trung tâm, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ kết nối khi các cơ quan truyền thông khác có nhu cầu huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu tại đơn vị.

Tập huấn viên sơ cấp cứu hướng dẫn kỹ thuật CPR – hồi sinh tim phổi

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác sơ cấp cứu là hành động can thiệp, trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn do thương tích hoặc do bệnh lý cấp tính ngay tại hiện trường trước khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế nhằm cứu sống nạn nhân, ngăn không cho tình trạng sức khỏe của nạn nhân xấu đi, hạn chế biến chứng, di chứng của tổn thương, lớp tập huấn sẽ trang bị những kiến thức cơ bản cho học viên về xử trí dị vật đường thở, các kỹ năng về CPR – hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực, các kiến thức về cầm máu, xử trí tổn thương phần mềm, cố định gãy xương, vận chuyển nạn nhân an toàn…

Được biết, công tác tổ chức thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng là một trong những nội dung quan trọng vừa được ký kết trong chương trình phối hợp của Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2022 – 2027.

Ngọc Hoa