Tình nguyện viên Chữ thập đỏ - Điểm đến của những trái tim nhân hậu và tinh thần nhiệt huyết

Không ngại khó khăn, mang tấm lòng thiện nguyện để chia sẻ yêu thương cho cộng đồng. Đó là những điểm chung của đội ngũ tình nguyện viên Chữ thập đỏ - lực lượng nòng cốt, hỗ trợ đắc lực cho các cấp Hội trong thực hiện các hoạt động trợ giúp nhân đạo.

Hoạt động tình nguyện viên được xuất phát từ thiện chí của người muốn tình nguyện tham gia, không vì bất kỳ lợi ích riêng tư bản thân mà chỉ mong muốn đóng góp bằng công sức, kinh phí, vật chất để cùng Hội Chữ thập đỏ các cấp chăm lo đến các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động tình nguyện viên nhằm mục đích mang lại lợi ích cho những người dễ bị tổn thương dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được Luật Hoạt động Chữ thập đỏ Việt Nam quy định, đảm bảo đúng theo 7 nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Quy chế hoạt động tình nguyện viên.

Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ luôn chú trọng xây dựng lực lượng tình nguyện viên (TNV), xem đây là lực lượng nòng cốt, đa dạng thành phần, giới tính, ngành nghề, sở thích phù hợp hoạt động Chữ thập đỏ và được tập hợp thông qua các đội nhóm, câu lạc bộ hoạt động theo phương thức tư nguyện, tự giác, tự quản với sự định hướng của các cấp Hội trực thuộc. Nhiều mô hình TNV được triển khai với cách làm sáng tạo, hiệu quả đã nhận được sự hưởng ứng của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân bởi sự đóng góp quan trọng, không thể thiếu trong các phong trào nhân đạo, tạo ấn tượng tốt đẹp trong đời sống cộng đồng, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của tổ chức Hội.

Tình nguyện viên Chữ thập đỏ vác gạo hỗ trợ đến các khu phong tỏa do dịch bệnh Covid-19

Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc áo đỏ hàng ngày vẫn xuôi ngược trên những con đường của Thành phố Hồ Chí Minh, kiên trì và lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ của một TNV Chữ thập đỏ. Có khi là vận chuyển “suất cơm tình thương” đến với những bệnh nhân nghèo tại các bệnh viên; có khi len lỏi vào từng con hẻm phát những tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch bệnh hoặc vận động sự chia sẻ của các nhà hảo tâm hướng đến những hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19, với hơn 500.000 lượt tình nguyện viên tham gia trên tất cả các mặt trận, những “chiến sĩ áo đỏ” đã không ngại ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, quyết tâm sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch và đảm nhiệm cả vai trò hậu phương vững chắc. Từ việc ra quân tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy tắc của Bộ Y tế và các quy định của Thủ tướng Chính phủ cho đến việc hỗ trợ, chăm lo lương thực, thực phẩm đến các hộ dân trong và ngoài vùng cách ly, phong tỏa. Những mô hình hiệu quả như Chuyến xe nghĩa tình, Đi chợ giúp dân, Đội tiêm vắc-xin cộng đồng, Oxy yêu thương… đã khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng TNV Chữ thập đỏ trong các hoạt động nhân đạo, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp.

 

Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tham gia hỗ trợ tiêm văc-xin Covid-19 cho người khuyết tật

Ý nghĩa cao đẹp và giá trị nhân văn của hoạt động tình nguyện đã thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Họ là những doanh nhân thành đạt sẵn sàng đóng góp vật chất, phương tiện, thậm chí không quản ngại sức khỏe và tính mạng vận chuyển hàng trăm lượt trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm đến các bệnh viện, các khu cách ly điều trị Covid-19; không ngại vượt hàng trăm cây số suốt ngày đêm để đưa mẹ bầu về quê hay đưa những đứa trẻ sơ sinh về với gia đình; họ là những cán bộ, công nhân, các tầng lớp trí thức sẵn sàng cùng nhau vác hàng trăm bao gạo, hàng tấn nông sản mỗi ngày để hỗ trợ những hộ dân trong vùng phong tỏa; họ là những giáo viên, sinh viên với lưng áo đẫm mồ hôi khệ nệ ôm từng giỏ trái cây đến trao tặng người dân trong từng ngõ hẻm; họ là những cán bộ y tế tình nguyện tiếp xúc trực tiếp với F0 để thăm khám sức khỏe và hỗ trợ oxy miễn phí… Nếu không vì mục đích nhân đạo cao cả thì khó có sức mạnh nào có thể vượt qua những rào cản về tâm lý để thực hiện những nghĩa cử cao đẹp đó.

Đi ngược lại với tinh thần và giá trị nhân văn của hoạt động TNV Chữ thập đỏ, vẫn còn có những trường hợp vì lợi ích cá nhân, mạo nhận danh nghĩa tình nguyện viên Chữ thập đỏ, lợi dụng lòng tin của các đơn vị, cá nhân có tấm lòng hào hiệp, nghĩa tình để trục lợi, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Chữ thập đỏ. Những ngày qua, dư luận xã hội và cả trong hệ thống Hội rất quan tâm và bức xúc về việc làm sai trái của ông Hoàng Trọng An, tự xưng là Phó Ban truyền thông Câu lạc bộ Doanh nhân Chữ thập đỏ qua nội dung phản ánh của bài báo Tuổi trẻ với nhan đề “Hút máu… tình nguyện viên hiến máu” ngày 06/6/2022. Thực chất, ông An đã có hơn 10 năm hoạt động tự do kêu gọi, vận động hỗ trợ các bệnh nhân tại Viện Tim trước khi đăng ký làm tình nguyện viên Câu lạc bộ Chuyến xe nghĩa tình thuộc Hội Chữ thập đỏ Trường Trung cấp Quang Trung để tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 năm 2021. Đến tháng 11/2021, Câu lạc bộ Chuyến xe nghĩa tình được giải thể và thu hồi thẻ tình nguyện viên (hiện nay, thẻ ông An đang giữ là thẻ tình nguyện viên Câu lạc bộ Chuyến xe nghĩa tình đã hết hạn, không có giá trị). Câu lạc bộ Doanh nhân Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận thành quả hoạt động trong công tác phòng chống dịch để huy động tinh thần tình nguyện của các doanh nhân giàu lòng nhân ái tiếp tục thực hiện các hoạt động nhân đạo được thành lập vào tháng 12/2021. Ông An xin tham gia làm tình nguyện viên và được chấp thuận, nhưng cần thêm thời gian thử thách mới được đề xuất cấp thẻ.

Vừa qua, Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn số 158/CV-CTĐ ngày 06/6/2022 nêu rõ quan điểm khẳng định đây là hành vi cá nhân và ông An phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời đề nghị Ban Chủ nhiệm CLB xóa tên tình nguyện viên theo quy chế hoạt động. Bên cạnh đó Thành Hội sẽ siết chặt hơn các quy chế hoạt động về việc kết nạp, thành lập và quản lý TNV của các CLB trực thuộc.

Ngoài ra, cũng cần nói thêm việc Viện tim tổ chức lấy máu trực tiếp tại đơn vị đã được Trung tâm hiến máu Nhân đạo trực thuộc Thành Hội góp ý là không nên thực hiện (từ năm 2013) vì dễ xảy ra tiêu cực, không minh bạch hóa việc hiến máu cho người bệnh, trong khi lượng máu dự trữ tại ngân hàng máu luôn có đủ để đáp ứng việc điều trị cho bệnh nhân và đề nghị Viện tim cần phối hợp để thực hiện.

Ngày 07/6/2022, CLB Doanh nhân Chữ thập đỏ do TS. Nguyễn Hoàng Hiệp làm Chủ nhiệm đã có công văn số 0706-22/CV-BTT/DNCTD khẳng định việc làm của ông Hoàng Trọng An không phải là nhiệm vụ được phân công và CLB cũng không có chương trình liên quan đến công việc của ông Hoàng Trọng An đang thực hiện tại Viện Tim. Chức danh “Phó Trưởng Ban công tác xã hội và thiện nguyện” được đề cập trên báo Tuổi trẻ là chưa chính xác. Trong thời gian tới, CLB sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý thỏa đáng vụ việc này.

Tinh thần nhiệt huyết, sôi nổi của các tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ quận Bình Tân

Mạng xã hội những ngày vừa qua cũng sôi nổi khi nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của các TNV và cộng đồng mạng. Tài khoản An Tran đã viết “Các bạn ơi…!! Những ai làm sai thì họ sẽ bị phán xét của xã hội và pháp luật… Còn tất cả chúng ta hãy tin tưởng Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Hội Chữ thập đỏ thành phố Thủ Đức, hãy tiếp tục tham gia hiến máu nhân đạo…”. Tài khoản Lannguyen đã khẳng định “Chúng ta không thể vì “một con sâu làm rầu nồi canh”, cương quyết loại trừ ra khỏi tổ chức với những tình nguyện viên không có đạo đức để giữ mãi những hình ảnh đẹp đang được xã hội tôn vinh”.

Các tình nguyện viên tham gia Ngày hội hiến máu “Giọt hồng thành phố mang tên Bác”

Có thể nói giá trị của những hoạt động nhân đạo tồn tại ở sự bền vững. Hoạt động tình nguyện viên Chữ thập đỏ gắn với những việc làm tốt, việc làm thiện xuất phát từ trái tim của mỗi người. Và những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Đó có thể là những ánh mắt yêu thương, những nụ cười cảm thông, chia sẻ để tiếp thêm sức mạnh, nâng đỡ tinh thần cho những hoàn cảnh khó khăn. Một xã hội mà con người giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau chắc hẳn sẽ là một xã hội tốt đẹp, đáng sống. Không chỉ là những người cần giúp đỡ mà những người trao đi cũng cảm nhận được hạnh phúc. Họ đã gieo cho người khác niềm tin, trao cho họ yêu thương, cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa.

Ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở thời gian ta đã sống bao lâu mà là ta đã đóng góp cho cuộc đời được những gì, mang lại giá trị như thế nào cho xã hội. Vì vậy, bản thân mỗi người cần nhận thức được ý nghĩa của những việc làm thiện nguyện và không ngừng lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Hoài Giang